Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]





Tác Giả



Lê Dinh

Montreal, Quebec (Canada)




Sơ lược tiểu sử: Lê Dinh sinh năm 1934 (tuổi Giáp Tuất) tại làng Vinh Hựu, tỉnh Gò Công. 1948-1953: Học Trung học ở Collège Le Myre de Vilers (MỹTho). 1953-1955: Học trường Cao đẳng Vô Tuyến Ðiện Saigon (Ecole Supérieure de Radióelectricité de Saigon). 1955-1957: Dạy học (Pháp văn và âm nhạc) ở Gò Công và ở Chợ Lớn. 1957-1975: Làm việc tại Ðài Phát thanh Saigon. Chức vụ: Chủ sự Phòng Sản Xuất rồi Chủ sự Phòng Ðiều Hợp. 1975-1978: Không làm gì được cả. Tháng 8/1978: Vượt biên đến đảo Ðài Loan. Tháng 10/1978: Ðịnh cư ở Canada, thành phố Montréal, cho đến nay. 1979-1999: Làm việc cho hãng tàu chở hàng hóa đi khắp thế giới có tên là Federal Navigation (viết tắt là FEDNAV) của Canada ở thành phố Montréal (Ðiểm đặc biệt là hãng tàu này là hãng tàu đã cứu vớt 40 người trên chiếc ghe tỵ nạn - trong đó có gia đình Lê Dinh - trên biển Nam Hải năm 1978). Lúc còn học ở Trung học Le Myre de Vilers (MỹTho) có theo học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác của Ecole Universelle de Paris. Sáng tác đầu tiên: Bài Làng Anh Làng Em, viết năm 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam ấn hành năm 1956. Gia cảnh: Vợ, 3 con.

Sáng tác: Cuộc đời sáng tác của Lê Dinh trong 50 năm gắn bó với âm nhạc được chia ra làm 3 giai đoạn với hơn 200 nhạc phẩm.

Giai đoạn 1 (1956-1966): Trong thời gian này, Lê Dinh có những sáng tác nổi tiếng tiêu biểu như:
- Ngày ấy quen nhau (1959)
- Thương đời hoa (1960)
- Hôm nào anh đi (1960)
- Có nhớ không anh (1960)
- Tấm ảnh ngày xưa (1961)
- Cánh thiệp hồng (1961)
- Ga chiều (1962)
- Xác pháo nhà ai (1964)
- Chiều lên bản Thượng (1964)
- Tình yêu trả lại trăng sao (1964)
- Thương về xứ Thượng (1965)
- Ngang trái (1965)...

Sáng tác chung với Minh Kỳ:
- Ðường chiều sơn cước
- Tiếng hát Mường Luông
- Người em xứ Thượng
- Ðường về khuya
- Tôi đã gặp
- Hạnh phúc đầu Xuân
- Cánh thiệp đầu Xuân
- Một chuyến xe hoa
- Mưa trên phố Huế...

Giai đoạn 2 (1966-1975): Thành lập nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh - Minh Kỳ - Anh Bằng): Ðêm nguyện cầu (sáng tác đầu tiên của nhóm - 1966). Nhóm Lê Minh Bằng còn có những tên nữa như: Mạc Phong Linh, Mai Thiết Linh (Truyện tình Lan và Ðiệp 1, 2 & 3), Mai Bích Dung (Linh hồn tượng đá, Cho người tình nhỏ), Dạ Ly Vũ (Hồi tưởng), Dạ Cầm (Tình đời, Trở về cát bụi, Ðêm vũ trường, Kiếp cầm ca) và rất nhiều tên khác nữa như: Vũ Chương, Phương Trà, Tây Phố, Tôn Nữ Thụy Khương, Trúc ly, Huy Cường, Mặc Vũ v.v...)

Ngưng sáng tác (1975-1978).

Giai đoạn 3 (từ năm 1979): Có những bài:
- Bài hát của người điên
- Nắng bên này sông
- Thương về Gò Công
- Sao anh không nhớ Gò Công
- Dòng kỷ niệm
- Chữ tình
- Huế buồn
- Chỉ là phù du (2003).

(Theo bài phỏng vấn của nhà văn nữ Bích Xuân, Paris)

 










     Năm 1968, một hôm đến tập dượt cho Ban Sóng Mới - một ban nhạc giới thiệu những giọng ca mới trên Đài Phát thanh Saigon - tại nhà Minh Kỳ, mà cũng là nơi được dùng để làm lớp nhạc Lê Minh Bằng của chúng tôi, ở đường Hai Bà Trưng, tôi nhận thấy có một nữ ca sĩ là lạ, từ trước đến nay chưa có mặt trong ban Sóng Mới. Minh Kỳ giới thiệu với tôi đây là ca sĩ Thu Thủy, «lần đầu tiên đến với ban Sóng Mới của mình».
     Thu Thủy từ trước không có tiếng hát trên làn sóng điện vì cô là một ca sĩ của phòng trà, đang cộng tác với một số phòng trà và vũ trường ở Saigon - Chợ Lớn như Bồng Lai, Quốc Tế, Đại Kim Đô, Kim Điệp, Anh Vũ, La Cigale... Thu Thủy đã nổi tiếng nhiều ở phòng trà nhưng tôi không được biết vì tôi rất ít khi đến phòng trà và khiêu vũ trường, nhưng khách hàng của những nơi này đều biết Thu Thủy, một ca sĩ trẻ tuổi, có một vóc dáng xinh đẹp, một gương mặt dễ nhìn và một giọng hát tươi trẻ, nhí nhảnh, thích hợp với những ca khúc ngoại quốc, nhất là những bản nhạc Pháp thịnh hành thời đó. Vì vậy, khách quen thuộc của phòng trà ở Saigon - Chợ Lớn và nhất là ở La Cigale, đường Đinh Tiên Hoàng (Đa Kao), không ai không biết Thu Thủy với những ca khúc như Si l’ amour existe encore, La vie en rose, Aline, Oui devant Dieu, Comme toi, La plus belle pour aller danser hay La Bamba, Besame Mucho, Amour, Soleil et chachacha... Vì là một ca sĩ của vũ trường, đã có nhiều năm ca hát và có nhiều kinh nghiệm cho nên khi gia nhập ban Sóng Mới - cho dù là người mới - Thu Thủy được coi như là một ca sĩ đàn chị của các em khác như Trang Mỹ Dung, Hải Lý, Giáng Thu, Nhật Thiên Lan... những ca sĩ lâu năm của ban Sóng mới, đã có thu đĩa và cũng là nhạc sinh của lớp nhạc Lê Minh Bằng.
(Thu Thủy, Saigon, trước 75)

     Tôi còn nhớ thời đó, Thu Thủy hay trình bày những ca khúc của Y Vân, như «Sao anh lỗi hẹn»:
Ngày xưa anh hay lỗi hẹn
Chờ mong nhưng rồi không đến
Lại xin tha thứ cho anh...

     Hoặc «Lá thư không gửi» của Hoài Linh:
Đứng trước nhau ngại nói, đường xa không thuận lối, viết thư thay lời
Muốn viết thư hỏi thăm cho bao nỗi niềm vơi, mà không quen người...

     Hay «Có nhớ không anh» của Lê Dinh:
Nhớ gì không anh, tiếc gì không anh?
Khi trăng xế mành, nhìn làn mây trôi sao tôi thương và nhớ anh.
Nhớ ngày hôm nao, những chiều bên nhau
Bên rừng thu vắng, anh kể tôi nghe bao câu chuyện mình ngày sau...

     Nhưng Thu Thủy chỉ có mặt trong ban Sóng mới một thời gian ngắn khoảng 3 tháng thôi, rồi cô giã từ ban Sóng mới mà không một lời báo trước và cho đến 7, 8 năm sau, tới biến cố 1975, chúng tôi cũng không có tin tức gì về Thu Thủy cả...
     Bỗng một hôm, vào khoảng tháng 1 năm 2000, một cú điện thoại từ xa gọi tôi:
     - Xin lỗi, cho tôi nói chuyện với anh Lê Dinh?
     Cầm điện thoại, tôi nghe một tiếng nói thật xa lạ, và tôi ngần ngừ, kéo thời giờ để cố đoán xem người bên kia đầu giây là ai nhưng thật không tài nào đoán nổi:
     - Dạ, thưa Lê Dinh tôi nghe.
     - Anh Lê Dinh hả, trời ơi, mừng quá, biết ai không?
     - Nghe giọng lạ quá, đâu biết được.
     - Thủy nè, Thu Thủy nè.
     - Thu Thủy nào?
     Thật ra, trong giới nghệ sĩ, có rất nhiều tên Thu Thủy, không xác định Thu Thủy ca sĩ, Thu Thủy sexy, vũ công nổi tiếng ở Saigon trước kia hay Vương Thu Thủy điêu khắc gia (hiện nay ở bên Pháp) hoặc Thu Thủy nào khác, thật khó mà nhớ ra được.
     - Thu Thủy ban Sóng Mới ngày xưa, anh còn nhớ không?
     À té ra là Thu Thủy, người chỉ xuất hiện trong ban Sóng Mới có mấy tháng thôi rồi là ra đi không kèn không trống!
     - Thu Thủy bây giờ đâu vậy?
     - Em ở thành phố Belmont, Cali.
     - Sao biết anh ở bên đây mà gọi?
     - Nhờ Mai Ngọc Khánh cho em số điện thoại của anh vì nó có liên lạc với anh để thu thanh CD mấy bài của anh nên nó biết.





Tina Vương (Cali, sau 75)



     Và từ đó, chúng tôi thường liên lạc nhau, Thu Thủy cho biết bây giờ cô đi hát lại - với tên mới là Tina Vương - vì không hát, thấy thiếu vắng một cái gì và nhất là cuộc sống quá buồn tẻ ở thành phố nhỏ rất ít người VN này. Người thân trong gia đình thì lại ở xa, bạn bè ngày xưa nhìn lại cũng chẳng còn bao nhiêu người, nếu không lấy âm nhạc làm niềm vui thì cuộc đời thật vô cùng tẻ nhạt.
     Tôi hỏi Tina Vương có ra CD gì không, cô trả lời rằng cũng đang tính nhưng chưa thực hiện được. Và tại sao đổi tên thành Tina Vương?
     - Khi bắt đầu đi hát lại, có người đặt cho em tên mới này, nghe cũng hay hay cho nên em lấy luôn và cũng để quên đi dĩ vãng.
     Rồi từ thành phố Belmont, cô dời sang thành phố Foster City, rồi Stanton, cũng đều ở trong tiểu bang Cali. Rồi cô bắt đầu hát cho nhà hàng Như Ý ở Fountain Valley mỗi tuần 3 đêm vào những ngày cuối tuần và cũng như ngày xưa, những bài mà cô hát đều thuộc loại nhạc Pháp, Ý mà cô đã thành công ở Saigon trước đây. Khách thưởng ngoạn ở San Jose cũng là lớp khách trọng tuổi, thích nghe lại những bản nhạc của thời Sylvie Vartan, Enrico Macias, Dalida...
     - Nếu có tổ chức nào mời Thu Thủy hát, Thu Thủy có vui lòng giúp không?
     - Có chứ anh, khi nào rảnh rỗi là Thủy sẵn sàng, dù đi xa cũng không sao. Điện thoại của Thủy là (714) 398-8145, anh ghi để nếu có ai cần, gọi Thủy.
     Con đường tình ái của Thu Thủy - Tina Vương cũng lao đao lận đận, từ chuyện tình đầu, yêu một chàng trai hào hoa không quân lúc cô 20 tuổi, nhưng chim bàng gãy cánh sau hai năm gắn bó, để lại thương đau ray rứt cho người con gái mới khập khễnh đi vào đường yêu. Thời gian rồi cũng xóa dần kỷ niệm, tình đầu rồi cũng phôi pha để rồi Thu Thủy trải qua nhiều mối tình khác. Người đàn ông đầu tiên thật sự bước vào cuộc đời cô là một doanh thương thế lực và giàu có, lớn hơn cô nhiều tuổi, yêu thương cô thật nhiều mà ghen cũng thật nhiều. Dù đã có một mụn con, nhưng bắt buộc cô phải chia tay với ông chồng có máu ghen và vũ phu này. Rồi cuộc đời đưa đẩy Thu Thủy gặp một người thứ ba, lần này có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống chồng vợ, Thu Thủy không làm hôn thú, nhưng rồi Thu Thủy và chồng phải chia tay sau biến cố 75 vì Thu Thủy đi tỵ nạn, còn ông chồng ở lại cưới vợ khác. Cuộc đời bắt đầu đưa Thu Thủy phiêu lưu trong cuộc sống gối chăn ở hải ngoại với người ngoại quốc, một người Mỹ gốc Nga, rồi cũng đưa đến cảnh đường ai nấy đi. Hiện nay, Thu Thủy sống với một người Mỹ trẻ tuổi rất mực chiều chuộng Thu Thủy, anh là một kỹ sư về điện toán, hết lòng yêu thương Thu Thủy.
     - Giờ, nhắc lại một chút kỷ niệm ngày xưa nhé. Lúc Thu Thủy là ca sĩ của các phòng trà ở Saigon, đẹp như Thu Thủy, có lẽ Thu Thủy có nhiều bồ lắm phải không?
     - Rất nhiều, không phải là bồ, nhưng là những người để ý đến Thủy và yêu thương Thủy thôi, trong giới đồng nghiệp nam ca sĩ cũng có mà người ngoài giới cũng có. Tuy vậy, Thủy rất trung thành, yêu ai chỉ yêu một người, nếu mình rảnh tay rảnh chân mới dám yêu người khác. Ông chồng Thủy - như Thủy đã nói với anh - là một doanh nhân tên tuổi, giàu có nhưng lại có tính hay ghen. Ghen mà yêu ca sĩ thì thật là tội nghiệp! Một hôm Thủy đến phòng trà Bồng Lai, ông ta ngồi trong xe rình Thủy, chẳng may có một số người ngưỡng mộ Thủy, gặp Thủy ngay chỗ đậu xe, bày tỏ lòng mến mộ và khen ngợi Thủy. Thủy cũng vì xã giao mà trả lời, thế là ông ta nổi ghen, từ trong xe bước ra, bạt tai Thủy ngay tại chỗ. Còn một hôm, Thủy có món quà đem đến nhà tặng vợ chồng một nam ca sĩ bạn của Thủy, người mà lão ta thuê để rình mò Thủy về báo cáo lại. Biết được việc này, ông chồng Thủy hăm he sẽ giết anh ca sĩ làm Thủy ớn quá. Án mạng có ngày xảy ra chứ chẳng chơi, nên Thủy không dám sống với người chồng quá ghen tuông, hạnh phúc đâu không thấy, rồi chỉ thấy đau thương đỗ vỡ, không nay thì mai, cho nên Thủy phải từ giã ông ta sớm. Bây giờ nghĩ lại thật còn sợ.
     - Còn ông chồng ngoại quốc hiện giờ của Thủy thì sao?
     - Ông Ben này hả? Một trời một vực với ông chồng ghen tương của em trước kia. Ben thật dễ thương, không biết chữ ghen là gì. Em đi đâu thì đi, về chừng nào thì về. Đi khỏi phải thưa, về khỏi phải trình. Anh biết Ben nói sao không?
     - Nói sao?
     - Ben nói Ben không sợ người nào yêu Thủy cả, chỉ sợ có một mình... ông Clinton thôi!
Đã mang lấy cái thân tằm
Không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ
     Thu Thủy - Tina Vương cũng không thoát khỏi kiếp tằm trong ổ kén, mặc không gian, mặc thời gian, «dẫu rằng sông cạn đá mòn, con tằm đến thác vẫn còn vương tơ». Ngoài khả năng ca hát, Thu Thủy ngày trước hay Tina Vương ngày nay không có giúp đồng hương được gì hơn, ngoài việc đêm đêm dưới ánh đèn, đem tiếng hát mua vui cho thế nhân, làm ấm lòng đồng chủng, vì oan nghiệp của đất nước, vì đại họa của dân tộc, phải mang nỗi hận ly hương trên 30 năm dài đằng đẵng.






Mục Lục | | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com